Từ nguyên Sự_hình_thành_loài

Nhà sinh vật học Orator F. Cook đã đưa ra thuật ngữ hình thành loài ("speciation") vào năm 1906 chỉ về sự phân chia dòng dõi hay "sự hình thành sinh mệnh". Charles Darwin là người đầu tiên mô tả vai trò của việc lựa chọn tự nhiên trong hình thành loài mới tại cuốn sách của mình năm 1859 có tên gọi Nguồn gốc các loài. Ông cũng xác định lựa chọn sinh sản như là một cơ chế có khả năng, nhưng thấy nó có một số vấn đề. Có bốn phương thức địa lý về phân bố tự nhiên, dựa trên mức độ cụ thể hóa các quần thể bị cô lập với nhau từ đó tạo nên loài mới (trực tiếp hoặc nâng lên từ phụ loài/phân loài). Việc hình thành loài cũng có thể được hình thành qua quá trình chọn lọc nhân tạo, thông qua chăn nuôi, nông nghiệp, hoặc các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Có nhiều cách để định nghĩa khái niệm "loài". Lựa chọn định nghĩa phụ thuộc vào những đặc thù của các loài xét tới[5]. Chẳng hạn, một vài quan niệm về loài áp dụng dễ dàng hơn đối với các loài sinh sản hữu tính trong khi những khái niệm khác phù hợp với các loài vô tính hơn. Bất chấp sự đa dạng các khái niệm này, chúng có thể xếp vào một trong ba cách tiếp cận triết học rộng hơn: theo hướng giao phối, sinh thái và thuyết phát sinh loài[6]. Quan niệm loài sinh học (tiếng Anh: biological species concept - BSC) là một ví dụ cổ điển về cách tiếp cận giao phối. Được Ernst Mayr đưa ra năm 1942, BSC khẳng định rằng "loài là nhóm các quần thể tự nhiên, thực sự hoặc có khả năng, giao phối với nhau, cách biệt về mặt sinh sản với những nhóm khác như vậy"[7].

Mặc dù khá rộng và được sử dụng từ lâu, BSC cũng giống những quan niệm khác khi không tránh khỏi những tranh cãi, bởi vì các quan niệm kiểu như vậy không thể áp dụng cho sinh vật nhân sơ[8] và điều này được gọi là vấn đề loài[5]. Một số nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm cách đưa ra một quan niệm nhất nguyên thống nhất về loài, trong khi những người khác tiếp nhận một cách tiếp cận đa nguyên và đề xuất rằng có thể có nhiều cách khác nhau để diễn giải một cách logic định nghĩa về loài[5][6].